Học cách viết content marketing ngay cả khi không biết phải viết gì!
Nội dung chính
Đôi khi nghề content cũng gặp phải nhiều chuyện “đau đầu”, nào là cạn ý tưởng, nào là không biết phải viết cái gì, bắt đầu từ đâu, chủ đề gì đang “hot” mà mình có thể viết được nhỉ?
Là một content writer, mình cũng như các bạn, và mình hiểu điều các bạn đang băn khoăn bấy lâu nay. Vậy nên, bài viết này chúng mình hãy cùng ngồi xuống và học cách viết content trong những lúc “bối rối” như thế này nhé!
Content marketing rốt cuộc là gì vậy nhỉ?
Nhiều khi ngồi và tự hỏi bản thân: Liệu bản thân mình theo đuổi ngành content writer này có thực sự đúng đắn? Đôi khi vui vẻ và hạnh phúc khi đắm chìm vào những con chữ, nhưng mà đôi khi cũng khá nhức đầu khi không biết phải viết cái gì tiếp theo. Đúng vậy! Chúng ta giống nhau. Vì vậy mà bài viết này xuất hiện ở đây.
Nhìn chung, content writer là người tạo ra nội dung, là người sản xuất nội dung và đăng tải trên các nền tảng số, các kênh mạng xã hội và diễn đàn cộng đồng. Và bao quát hơn, content marketing là sự kết hợp giữa việc viết nội dung và tiếp thị quảng cáo, tức là vừa phải viết nội dung và vừa phải áp dụng những phương pháp marketing để thúc đẩy hiệu quả tiếp thị.
Mình nghĩ rằng trước khi bạn muốn viết một bài viết hoàn chỉnh, chúng ta cần dành thời gian cho việc tìm hiểu những nội dung về content marketing là gì trước đã. Để từ đó, bạn có cái nhìn đa chiều về nghề làm content.
Đọc sách mỗi ngày
Thực ra cũng không cần nhiều lắm đâu! Mỗi ngày chúng ta nên dành khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ cho việc đọc sách là được. Đọc sách giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc mở mang kiến thức, tư duy rộng mở và vốn ngôn ngữ dồi dào.
Mỗi cuốn sách, mỗi chủ đề, mỗi tác giả đều có những góc nhìn và cách hành văn khác nhau. Việc đọc sách thường xuyên sẽ giúp bạn khám phá ra những lối văn chương độc đáo của họ. Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu cách mà những tác giả nổi tiếng đã xuất bản nội dung của họ như thế nào, làm sao họ có thể viết được như vậy nhỉ.
Mình tin rằng, mỗi cuốn sách mà chúng ta đọc qua chắc chắn sẽ giúp cho bản thân chúng mình hiểu được sâu sắc về một vấn đề trong cuộc sống. Đọc sách nhiều thực sự giúp bạn mở mang rất nhiều, bạn có thể kết hợp với nhạc nhẹ để tăng thêm phần hứng thú khi đọc sách nhé!
Mình khuyến khích các bạn nên đọc những đầu sách có nội dung liên quan đến lĩnh vực mà bạn đang nghiên cứu và xây dựng nội dung.
Không phải ai cũng có thể viết được một nội dung mạch lạc và đúng ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với chủ đề đó, vì vậy trước khi bắt đầu với một chủ đề mới, bạn có thể tham khảo qua những kiến thức của những tác giả đi trước nhé.
Học đi đôi với hành
Bất cứ cái gì cũng vậy, nếu không thực hiện thường xuyên và không lặp đi lặp lại thì khả năng cao bạn sẽ không nhớ và không thể thực hiện lại được công việc đó nữa.
Viết lách cũng vậy, chúng ta luôn phải thực hành thường xuyên và lặp đi lặp lại. Mỗi ngày, hãy cố gắng viết một thứ gì đó, một chủ đề nào đó quen thuộc với bản thân để tập luyện. Nếu muốn theo đuổi nghề viết content, điều tiên quyết bạn cần phải làm chính là biến việc viết lách thành một thói quen của bạn.
Bạn có thể viết ở bất cứ đâu bạn muốn, trên bất cứ nền tảng hay vật liệu nào cũng được, chỉ cần bạn chăm chỉ viết thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ “góp gió thành bão” nhanh thôi.
Mình khuyến khích các bạn nên lập cho mình một blog wordpress hoặc blog Facebook cá nhân miễn phí để chia sẻ những bài viết hay nội dung bổ ích của bạn trên đấy. Mình nghĩ đây là một ý tưởng không tồi để bạn có thể vừa tập viết vừa đăng tải những nội dung cho nhiều người biết đến.
Mời bạn đọc tham khảo các quy tắc viết content:
Quy tắc viết content hay là gì? Tham khảo ngay 8 quy tắc sau đây!
Đừng quên nghiên cứu xu hướng người dùng nhé!
Bạn có muốn xây dựng nội dung khiến người đọc cảm thấy đồng cảm sâu sắc với bạn, dễ dàng “mủi lòng” vì những thông tin bạn cung cấp hay không?
Bạn có biết sự thành công của một bài viết là gì không? Chính là hiệu suất đạt được. Một sự thật đáng buồn rằng dù bạn có viết hay và dài đến bao nhiêu thì cũng không quan trọng, cái người ta quan trọng chính là lượt tiếp cận, tương tác người dùng và tỷ lệ chuyển đổi khách hàng sau đó biến chuyển như thế nào.
Đời không như là mơ, vì vậy đừng mơ mộng quá nhiều!
Trên thực tế, khi bắt đầu viết một nội dung nào đó, người làm nội dung luôn phải nghiên cứu và khai thác cẩn thận các tầng lớp biểu bì chuyên sâu của vấn đề đó. Bạn có thể đặt ra các câu hỏi để tự hỏi bản thân mình trước khi bắt đầu viết bài như sau:
- Bạn viết cho ai đọc? Hãy khoanh vùng đối tượng của bạn lại bằng những thông tin cụ thể như: giới tính, vùng miền, độ tuổi, thói quen, sở thích, ngành nghề, nói chung là những điều liên quan đến nhân khẩu học.
- Nội dung của bạn mang lại giá trị gì cho người đọc? Bạn nên xác định rõ những gì mình viết sẽ mang lại nội dung có ích cho khách hàng/người đọc của bạn. Đừng viết những điều vô tri, những thông tin vô dụng nếu bạn không muốn sớm bị bỏ theo dõi từ độc giả của bạn.
Đặt ra một case study như sau:
Ví dụ như bạn đăng bài mô tả sản phẩm cho công ty của bạn là nước giặt và xả vải đậm đặc 2 trong 1, bạn cần xác định nhóm khách hàng mục tiêu sẽ hướng đến như sau:
- Giới tính: Nữ
- Độ tuổi: 25-40 tuổi
- Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng
- Tình trạng hôn nhân: Độc thân, có gia đình
- Nơi sinh sống: Thành thị và nông thôn
Về cơ bản là những thông tin như vậy, nhưng bạn cần hiểu rõ hơn về những sinh hoạt thường ngày của họ như thế nào. Thử nghĩ xem một người phụ nữ trong gia đình cần đến nước xả vải sẽ mong muốn điều gì.
- Muốn quần áo luôn thơm tho cho cả gia đình
- Sự tiện lợi của việc tích hợp cả hai vấn đề giặt và xả vải rất tiện lợi.
- Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cả gia đình
Nếu bài viết của bạn nói lên được điều khách hàng đang mong mỏi, chắc chắn việc bán hàng sẽ ổn định hơn rất nhiều.
Phân tích sản phẩm
Đây không phải là một điều đơn thuần mà bạn có thể nghĩ ra ngay được, nó cần quá trình tìm hiểu rõ ràng. Mình hy vọng rằng những điều mình đã học được và chia sẻ ở đây sẽ mang lại giá trị cho các bạn dù chỉ một chút.
Theo mình cảm nhận khi bắt đầu phân tích sản phẩm nào đó, bản thân bạn nên đặt trọng tâm vào khách hàng, hãy suy nghĩ như bản thân mình là người mua hàng và đặt ra câu hỏi: Sản phẩm này mang lại giá trị gì cho mình?
Cảm nhận chúng bằng trái tim và suy nghĩ trong lòng bạn, điều bạn hằng mong mỏi mình nhận lại được là gì, liệu khi bỏ một số tiền ra để mua sản phẩm đó, điều bạn muốn nhận lại là gì?
Khi đã hoàn thành xong công tác tư tưởng cũng là lúc bạn bắt đầu đặt bút xuống và viết. Hãy viết nên những con chữ theo như những gì bạn nghĩ là có giá trị, mang lại mục đích tích cực và hiệu quả tương tác cao. Tập trung vào đúng trọng tâm câu chuyện, nói lên được giá trị đích thực của sản phẩm mà ngay cả bạn – người đang viết ra nội dung này – cũng sẽ muốn được hưởng giá trị như vậy.
Tập thói quen lên dàn ý
Đây chắc chắn là công đoạn mà nhiều bạn content writer thường bỏ qua vì cho rằng điều này không cần thiết. Thực ra là tại các bạn thường viết theo cảm tính, nghĩ đến đâu viết đến đấy và các bạn ưa thích việc đó.
Tuy nhiên, về lâu dài thì điều này lại không tốt cho mindset của các bạn vì chúng sẽ “quen thói” được vận hành một cách tự nhiên hơn là có quy củ, kế hoạch. Vậy nên khi bắt đầu thực hiện một công việc có kế hoạch đầu đuôi, bạn sẽ khó thích ứng được.
Trước khi đặt bàn tay lên những con phím của bạn, nên nghĩ xem bạn nên viết gì, bạn sẽ mở bài như thế nào, mô tả câu chuyện gồm những phần nào và kết bài nên làm gì để không bị hụt hẫng.
Content có rất nhiều loại và mỗi loại đều có những chức năng khác nhau. Content trên Facebook mang tính ngắn gọn, vào thẳng vấn đề sẽ khác so với một bài văn chia sẻ kiến thức dài ngoằng trên website hoặc blogspot.
Tương tự, một bài content tin tức trên các tạp chí, trang báo mạng cũng sẽ khác so với một bài viết hài hước, memes trên các diễn đàn cộng đồng. Tùy theo loại bài viết mà chúng ta sẽ dành khoảng thời gian khác nhau cho chúng. Vì vậy mà chúng ta mới cần đến việc luyện viết để giúp mình hình dung được một cấu trúc bài viết sẽ đi theo những quy tắc nào?
Thông thường, dàn ý mà mình thường lên cho một bài viết chia sẻ kiến thức sẽ là:
- Mục đích của bài viết
- Các keyword, headline của bài viết
- Thông điệp bài viết muốn nhắc đến
- ….
Bước cuối cùng, hãy review lại bài viết của bạn để xem xét những lỗi sai về câu từ, ngữ pháp và hoàn cảnh đã hợp lý chưa, có mạch lạc hay không, có đoạn nào bị lan man hay không. Đôi khi review bài viết cũng sẽ giúp cho bạn nghĩ thêm được những ý tưởng mới đấy.
Kết hợp hình ảnh và video
Bạn có thấy một bài viết sẽ vô cùng tẻ nhạt nếu chúng không xuất hiện những hình ảnh và video để minh họa cho nội dung bài viết hay không? Người đọc thông thường hay lướt nội dung và chỉ nán lại khi cảm thấy phần nội dung đó của bạn quá thu hút hoặc vô tình mắt của họ lướt phải đoạn văn khá hay của bạn. Còn không thì, độc giả sẽ thường có xu hướng đọc lướt các tiêu đề hơn là dành trọn tâm trí và thời gian để đọc từng câu chữ của bạn.
Có rất nhiều “trend” hình ảnh mình thấy khá phổ biến đối với nghề content như chúng mình hiện tại như: infographic, hologram, universe, retro,… bạn có thể tận dụng để bắt đầu phát triển nội dung của mình đa dạng hơn chẳng hạn.
Mình nói không ngoa khi mà hình ảnh hoặc video chính là thỏi nam châm thu hút độc giả rất mạnh mẽ đó, đừng quên điều này nha! Thông thường, khi thiết kế hình ảnh, mình thường dùng canva, tham khảo một số trang web khá nổi tiếng như behance.net, dribbble.com, burst.shopify
Lời kết
Có một điều chắc chắn rằng, bạn sẽ không bao giờ viết và hiểu được hết tất cả các content trên đời này. Mỗi người đều có giới hạn của họ, kể cả một writer xuất sắc cũng sẽ chỉ viết được những nội dung trong phạm vi nhất định của họ. Tuy nhiên, nỗ lực sẽ đổi lấy thành công, mình tin một lúc nào đó, chúng ta sẽ thành công trên con đường sáng tạo nội dung của mình.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” —Mình hy vọng những điều mà mình chia sẻ hôm nay sẽ giúp ích cho các bạn theo đuổi ngành nghề content trong tương lai. Hy vọng các bạn sẽ yêu thích bài viết học cách viết content của mình.
Bài viết này thuộc nhóm chủ đề #viết_content_không_khó mong được các bạn đón nhận lâu dài.